Thursday, June 30, 2016

Chuyến bay 160 ghế chỉ có 1 hành khách (01-07)

Phi hành đoàn hãng Delta Airlines nói lần đầu tiên trong 17 năm qua họ gặp tình huống này, còn nam hành khách Steven Schneider thì bất ngờ đến thú vị.
Ông Steven Schneider (trái) chụp ảnh với tiếp viên chuyến bay mà chỉ có mình ông là hành khách
Ông Steven Schneider (trái) chụp ảnh với tiếp viên chuyến bay mà chỉ có mình ông là hành khách 
Sự việc xảy ra trên chuyến bay từ New Orleans, Mỹ vào tuần trước.
Theo The Independent ngày 28-6, ông Schneider, ngụ Lawrenceville, bang Georgia, mua vé của hãng Delta Airlines để đi Atlanta.
Tại sân bay, ông được nhân viên hãng cho biết do chuyến bay bị hoãn 2 lần, các hành khách khác đã đổi vé đi chuyến sớm hơn hoặc dời qua ngày hôm sau. Hãng đã cố liên lạc để thông báo cho ông biết nhưng bất thành vì không có số điện thoại chính xác của ông.
Nhân viên cũng hỏi ông có muốn đổi vé không, ông nói không. Sau đó ông được hướng dẫn đến cổng ra máy bay. Tại đây, tiếp viên hãng cho biết ông là hành khách duy nhất của chuyến bay.
"Lúc đầu tôi cảm thấy thật tệ vì tôi không muốn máy bay cất cánh chỉ để phục vụ một mình tôi", ông kể. "Nhưng sau khi nói chuyện với một tiếp viên, cô ấy cho biết dù có khách hay không, máy bay vẫn phải tới Atlanta". Vậy là ông quyết định đi luôn.
Schneider đã chụp ảnh lưu niệm với tiếp viên trên chiếc máy bay 160 chỗ ngồi mà chỉ có mình ông là hành khách. Ông cho biết tiếp viên này nói cô chưa từng gặp tình huống nào như thế này trong 17 năm qua.
Trong một tuyên bố, hãng Delta Airlines nói họ phải cho máy bay cất cánh để chở khách từ Atlanta về vào ngày hôm sau, và họ vui mừng khi hành khách Schneider có được một trải nghiệm bay "hiếm có".

(Tuoi Tre)

Lịch bay của Vietnam Airlines tại 3 khu vực miền Trung có thể thay đổi

Tình trạng mưa giông tại khu vực Tây Nguyên có thể gây ảnh hưởng tới kế hoạch khai thác của Vietnam Airlines đi từ/đến từ 3 sân bay Pleiku (Gia Lai), Liên Khương (Đà Lạt) và Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc).
Vietnam Airlines cỏ thể thay đổi lịch bay tại 3 khu vực miền Trung
Vietnam Airlines cỏ thể thay đổi lịch bay tại 3 khu vực miền Trung
Đại diện Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa thông báo khả năng thay đổi lịch bay của hãng tại các sân bay Pleiku (Gia Lai), Liên Khương (Đà Lạt) và Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) do điều kiện thời tiết trong tháng 7/2016.

Theo dự báo thời tiết của Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương, tình trạng mưa giông tại khu vực Tây Nguyên sẽ kéo dài từ nay đến hết 20/7/2016, có thể gây ảnh hưởng tới kế hoạch khai thác của Vietnam Airlines đi từ/đến từ 3 sân bay nói trên.

Vietnam Airlines đang theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để có thể điều chỉnh lịch bay tương ứng nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác.

Do đó, Hãng khuyến nghị khách hàng lưu ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động lập kế hoạch đi lại trong thời gian này.

Trong điều kiện lịch bay thay đổi, Vietnam Airlines sẽ gửi thông báo tới các khách hàng tham gia trên chuyến bay qua tin nhắn và các phương tiện thông tin đại chúng.

Hiện nay, Vietnam Airlines đang khai thác 23 chuyến/1 tuần tới sân bay Pleiku, 35 chuyến/1 tuần tới sân bay Liên Khương và 37 chuyến/1 tuần tới sân bay Buôn Ma Thuột.

(Bnews)

Wednesday, June 29, 2016

Có cần thiết chuyển điện thoại sang chế độ máy bay khi đang bay? (30-6)

Nhiều tiếp viên thường nhắc nhở khách hàng nên chuyển điện thoại sang chế độ máy bay khi đang bay. Tuy nhiên, điều này có thật sự cần thiết?

Khi chuyển điện thoại sang Airplane mode (chế độ máy bay), toàn bộ kết nối di động, Wi-Fi hoặc 3G đều sẽ bị vô hiệu hóa. Tại sao tiếp viên hàng không luôn khuyến cáo khách hàng nên chuyển smartphone sang chế độ máy bay? Đã bao giờ bạn tự hỏi nếu không làm theo thì sẽ xảy ra hậu quả gì?
Có cần thiết chuyển điện thoại sang chế độ máy bay khi đang bay? (30-6)

Có nên chuyển smartphone sang chế độ máy bay?

Nhiều người cho rằng tín hiệu của điện thoại có thể can thiệp vào hệ thống điện và viễn thông của máy bay, gây ra các trục trặc và khiến máy bay gặp sự cố. Tuy nhiên, điều này chỉ là suy đoán và chưa có bằng chứng nào được đưa ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy tín hiệu từ các thiết bị điện tử của khách hàng có thể khiến máy bay gặp trục trặc.
Lý do là khi ở độ cao khoảng 3.000 mét hoặc hơn, tín hiệu di động sẽ bị giảm khá nhiều, điều này đòi hỏi thiết bị phải gửi đi tín hiệu mạnh hơn, gây tốn pin và đôi khi làm nghẽn mạng trên mặt đất. Tuy nhiên, chưa bao giờ có trường hợp điện thoại di động khiến máy bay bị sự cố.
Trong một bài đăng trên blog của Airline Update, một phi công nói rằng điện thoại di động có thể gây nhiễu âm thanh trên radio của một chiếc máy bay hoặc trạm kiểm soát không lưu, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.
Để kích hoạt chế độ máy bay, bạn hãy trượt từ trên xuống để mở thanh trạng thái, sau đó chọn vào mục Airplane Mode. Ngoài ra, người dùng cũng có thể vào Settings > Wireless & networks để kích hoạt chế độ này.
Việc tắt hoặc chuyển smartphone sang chế độ máy bay sẽ chỉ làm giảm phiền nhiễu cho phi công. Hãy thử tưởng tượng nếu trên một chuyến bay mà 50 người đều mở điện thoại thì người lái sẽ rất khó tiếp nhận thông tin. Đó là lý do tại sao bạn thường được khuyên chuyển điện thoại sang chế độ máy bay.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết.

Theo Kỷ Nguyên Số / báo PLTP

Nhiều hành khách Vietjet than thở khi máy bay chậm 9 tiếng đồng hồ (30-06)

Chuyến bay của Vietjet Air từ Cam Ranh về Nội Bài đã hoãn chuyến từ 3 giờ chiều nay 29.6 tới 23 giờ 10 phút, khiến nhiều hành khách bất bình vì bị lỡ kế hoạch.
Nhiều hành khách Vietjet than thở khi máy bay chậm 9 tiếng đồng hồ

Chị N.N.T cho hay, chị đặt vé của Vietjet Air chuyến bay VJ784 từ Cam Ranh (Nha Trang) về Nội Bài (Hà Nội) lúc 3 giờ chiều 29.6. Tuy nhiên, sau đó Vietjet đã thông báo “vì lý do khai thác”, chuyến bay của gia đình chị sẽ bị chuyển xuống 17 giờ 15 cùng ngày. Chưa dừng ở đó, lịch bay tiếp tục bị lùi xuống chuyến 19 giờ 25 cũng với lý do khai thác. Bức xúc của hành khách này và gia đình lên đến đỉnh điểm khi chuyến bay bị thêm một lần lùi nữa xuống 23 giờ 10 phút ngày 29.6.
“Hãng thông báo hoãn chuyến lần đầu tiên gia đình tôi còn chấp nhận được, nhưng hoãn đến 3 lần, tổng cộng chuyến bay của tôi chậm tới 9 tiếng so với lịch ban đầu thì không thể chấp nhận nổi. Chồng tôi đã phải hoãn kế hoạch làm việc với đối tác vì lịch bay thay đổi. Chúng tôi cũng phải phát sinh thêm tiền thuê phòng khách sạn vì phải ở lại thêm hơn nửa ngày”, chị T. nói.
Hành khách này cũng cho biết, chuyến bay của chị chiều Nội Bài - Cam Ranh trước đó của Vietjet Air cũng đã bị chậm mất 3 tiếng.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện hãng hàng không Vietjet Air cho hay, chuyến bay VJ784 bị hoãn nhiều lần do đang mùa cao điểm hè, lịch bay quá dày nên không thể điều chuyển được máy bay thay thế khi phát hiện có trục chặc kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo chị N.N.T, hành khách đang chịu nhiều thiệt thòi hơn khi hãng chỉ nhắn một câu hoãn chuyến là xong, trong khi khách lại phát sinh thêm nhiều chi phí.
Theo Thông tư số 14/2015/TT-BGTVT của Bộ GTVT, từ 1.7.2015, mức bồi thường cho hành khách trong trường hợp chuyến bay bị hủy hoặc chậm quá 4 tiếng so với giờ cất cánh tăng 100.000 đồng/trường hợp so với quy định trước đó, lên 400.000 đồng/trường hợp với đường bay trên 1.000 km.

(Thanh Nien)

Khách Trung Quốc lục đồ của người khác trên máy bay Vietnam Airlines

Khi máy bay đã cất cánh, hành khách Zhang Guang Jin (46 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) đã lục túi xách của người khác trên giá hành lý và đã bị cảnh cáo. 
Một hành khách Trung Quốc bị phát hiện lấy trộm điện thoại tại sân bay Cam Ranh.
Một hành khách Trung Quốc bị phát hiện lấy trộm điện thoại tại sân bay Cam Ranh. 
Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết, trên chuyến bay VN595 của Vietnam Airlines từ Hong Kong đến TP HCM cuối tuần trước, khi máy bay đã cất cánh, hành khách Zhang Guang Jin (46 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) ngồi hàng ghế 18 có hành vi lục túi xách trên giá hành lý tại khu vực hàng ghế 15.

Nữ chủ nhân chiếc túi tình cờ phát hiện và kêu lên, Zhang Guang Jin trả lại túi đó và chuyển sang lục túi khác. Nữ hành khách bị lục túi đã thông báo sự việc cho tiếp viên của chuyến bay, đồng thời kiểm tra lại hành lý của mình và xác nhận không bị mất tài sản.

Do không bắt được quả tang và người trình báo không bị mất tài sản nên tiếp viên Vietnam Airlines đã cảnh cáo hành khách Trung Quốc Zhang Guang Jin.

Sau khi xuống máy bay, một hành khách Chen Chii Hwang, người Đài Loan, ngồi ghế 19G kiểm tra túi xách phát hiện bị mất 620 USD. Hành khách đã quay lại máy bay thông báo cho tiếp viên. Tất cả những người liên quan được đề nghị ở lại lập biên bản, tuy nhiên không tìm thấy số tiền đã mất.

Đại diện Vietnam Airlines phối hợp với tổ tiếp viên bàn giao các cá nhân cho công an cửa khẩu và Cảng vụ Hàng không miền Nam điều tra, giải quyết vụ việc.

Gần đây nhất, ngày 5/5, tại sân bay Cam Ranh, nam hành khách Zhao Jin Bo (người Trung Quốc) bị mất điện thoại iPhone 4 trong túi. Qua kiểm tra hệ thống camera, lực lượng an ninh sân bay thấy nữ du khách Yan Fengge (quốc tịch Trung Quốc) đã lấy điện thoại của ông Zhao. 

Thuê máy bay chở giám thị và đề thi ra đảo Phú Quốc

Do thời tiết bất lợi, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang phải thuê máy bay đưa cán bộ coi thi cùng đề thi THPT quốc gia ra đảo an toàn.
ve may bay quan Tan Binh

Ngày 29/6, ông Ninh Thành Viên - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang - cho biết, năm nay lần đầu tiên huyện đảo Phú Quốc có cụm thi chung cho thí sinh dự thi đại học, cao đẳng và tốt nghiệp THPT quốc gia.

"Những ngày qua, thời tiết vùng biển Tây Nam diễn biến phức tạp, sóng to, gió cấp 5, cấp 6. Để đảm bảo an toàn, ban tổ chức thuê một máy bay riêng chở đề thi cùng cán bộ coi thi từ thành phố Rạch Giá ra đảo Phú Quốc vào hôm qua, đúng như lịch trình quy định", ông Viên cho biết.

Theo ông Viên, trong kỳ thi THPT quốc gia lần này, huyện đảo Phú Quốc có 850 thí sinh. "Trước đây, cũng có một số lần thời tiết bất lợi, tàu không chạy được, ngành giáo dục thuê máy bay chở đề ra đảo Phú Quốc cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT", ông Viên nói.


Năm nay, tỉnh Kiên Giang có hơn 11.000 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2015, thí sinh ở tỉnh này phải thi chung tại cụm tỉnh An Giang.

(VnExpress)

Mỹ chưa cấp phép cho máy bay "made in China"

Dù máy bay ARJ21 do Trung Quốc sản xuất vừa hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên nhưng Cục quản lý hàng không Mỹ (FAA) vẫn chưa cấp phép bay trên bầu trời Mỹ cho chiếc này.
Ngày 28-6, chiếc máy bay ARJ21 do Trung Quốc sản xuất đã hoàn thành chuyến bay thương mại đầu tiên, chở 70 hành khách trong tuyến nội địa Trung Quốc từ Thành Đô sang Thượng Hải.
Mỹ chưa cấp phép cho máy bay "made in China"
Mỹ chưa cấp phép cho máy bay "made in China"
Chiếc máy bay này thuộc hãng hàng không Thành Đô Airlines. Hãng Thành Đô Airlines dự kiến sẽ khai thác máy bay ARJ21 ở tuyến Thành Đô - Thượng Hải, bay ba chuyến mỗi tuần.

ARJ21 - viết tắt của cụm từ Phản lực tiên tiến trong khu vực của thế kỷ 21 - do Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất. ARJ21 nằm trong chương trình kéo dài 14 năm của Trung Quốc nhằm xây dựng một thương hiệu cạnh tranh với hai hãng hàng không khổng lồ của thế giới là Airbus và Boeing ở thị trường Trung Quốc.

Cho tới nay ARJ21 - chở được từ 78 đến 90 khách và có hành trình bay từ 2.225 đến 3.700km - vẫn chưa được Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) cấp phép. Đồng thời, các chuyên gia đánh giá sản phẩm của COMAC vẫn chưa thể cạnh tranh với thế giới.

Cho tới thời điểm này, COMAC cho biết đã nhận được hơn 270 đơn hàng, chủ yếu từ các hãng máy bay nội địa. Theo đánh giá của Hãng tin AFP, dù vừa có chuyến bay thương mại đầu tiên nhưng ARJ21 vẫn cần rất nhiều thời gian để tạo được lòng tin của hành khách.

(Tuoi Tre)